Kon Tum với nét văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cùng nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đang là một điểm hẹn lí tưởng cho những du khách yêu thích loại hình du lịch sinh thái và du lịch tham quan, giải trí.
Kon Tum – một thoáng hoài niệm
Kon Tum là một tỉnh nằm phía bắc Tây Nguyên. Trong ngôn ngữ người Ba Na, Kon là làng và Tum nghĩa là hồ để chỉ một ngôi làng cổ gần hồ nước lớn cạnh dòng sông Đăkbla. Kon Tum thu hút người yêu du lịch bởi cảnh quan tự nhiên kết hợp với truyền thống văn hoá dân tộc lâu đời.
Ngoài những trang sử thi, những bản anh hùng ca huyền thoại, vùng đất Tây Nguyên này còn hấp dẫn du khách bởi là địa điểm duy nhất tại Việt Nam sở hữu Ngã ba Đông Dương nổi tiếng – nơi mà “một tiếng gà gáy sáng cả ba nước Việt – Lào – Campuchia cùng nghe”.
Dưới đây sẽ là một số gợi ý cho những du khách đang có kế hoạch du lịch đến vùng đất độc đáo về địa lý, bí ẩn và đầy mê hoặc về văn hóa này.
Nên đến Kon Tum vào thời điểm nào?
Cuối tháng 1, rừng cao su bắt đầu rụng lá tạo thành một cảnh tượng đẹp mắt. Sang tháng 3, hoa cà phê nở trắng trời nương rẫy, gọi mời ong bướm hút mật. Tới tháng 12, hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ và nhiều lễ hội đặc sắc của người dân tộc được tổ chức. Nếu có ý định đến du lịch Kon Tum, bạn đừng nên bỏ qua ba thời điểm quan trọng này trong này trong năm.
Tham quan
Chùa Bắc Ái
Chùa Bắc Ái tọa lạc ở thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Phía Đông giáp đường Trần Phú, Tây giáp đường Mạc Đĩnh Chi, Nam giáp đường Phan Chu Trinh, Bắc giáp đường Bà Triệu. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông và được xây dựng vào năm 1932. Dưới thời vua Bảo Đại, chùa được sắc phong “Sắc tứ Bác ái tự” và tặng hai câu đối, hiện được khắc sơn son thiếp vàng bên hai cột trước Đại Hùng bửu điện: “Kon Tum thắng cảnh Đại Nam nhất thống dĩ lai – Bác Ái danh lam Bảo Đại bát niêm y thỉ”.
Tòa Giám mục Kon Tum
Tòa Giám mục là một công trình kiến trúc Phương Tây kết hợp với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống, được thành lập vào năm 1935. Người có công lớn trong việc thành lập Tòa Giám Mục là vị Giám mục tiên khởi của Giáo phận Kontum, Đức Cha Martial Jannin Phước. Một trong những điểm nhấn tại Tòa Giám mục Kon Tum đó là căn nhà truyền thống, có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc bản địa đang sinh sống trên địa bàn. Đây là một nơi không thể bỏ qua khi du khách đến khám phá Kon Tum tìm hiểu lịch sử, văn hóa, đời sống người dân vùng đất mến khách này.
Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum (Nhà thờ Gỗ)
Được xây dựng năm 1913, tọa lạc giữa trung tâm thành phố. Công trình được xây theo phương pháp thủ công, kết hợp giữa phong cách Roman và kiểu nhà sàn của người Bana. Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum, người dân gọi gần gũi là Nhà thờ Gỗ, bởi vật liệu chính làm nhà thờ được làm từ gỗ. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ có đường nét phóng khoáng thể hiện được cái chất của người Tây Nguyên, hồn nhiên và khỏe mạnh. Không bê tông cốt thép, không một chút vôi vữa, nét độc đáo của ấn tích này là tất cả trần và các bức tường của Nhà thờ đều được xây bằng đất trộn rơm – kiểu làm nhà của người miền Trung, dù một thế kỷ trôi qua vẫn vững vàng, bền đẹp với thời gian. Bên trong nhà thờ, được trang trí theo hoa văn của các dân tộc ở Tây Nguyên, gần gũi với đời sống hàng ngày mà vẫn gợi cảm giác thiêng liêng, trang trọng.
Khu du lịch sinh thái Măng Đen
Khu du lịch sinh thái Măng Đen thuộc tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên” được kết nối với tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” để hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia “Con đường di sản Đông Dương”, nối các di sản thế giới của Việt Nam với các di sản thế giới của 2 nước Lào và Campuchia. Măng Đen nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình dao động 18oC – 20oC. Dân tộc thiểu số chiếm gần 90% tổng dân số.